Thay khớp háng
Không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng phương pháp thay khớp háng nhân tạo được mà cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Sau quá trình thăm khám, tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân đang ở mức độ nào, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là phương pháp loại bỏ phần xương sụn của khớp háng bị hư (bao gồm chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu) để thay thế vào đó bằng một khớp háng nhân tạo tương ứng. Mục đích của phương pháp này là phục hồi chức năng vận động của khớp háng và giảm tình trạng đau nhức, giúp bệnh nhân đi lại và vận động bình thường.
Thay khớp háng bán phần
Phẫu thuật thay khớp háng bán phần là phương pháp phẫu thuật chỉ thay phần chỏm xương đùi hoặc ổ cối đã bị hư hỏng bằng chỏm xương đùi hoặc ổ cối nhân tạo. Thông thường, trong hầu hết các trường hợp, ổ cối vẫn được giữ nguyên và chỉ thay thế chỏm xương đùi bị tổn thương bằng chỏm xương đùi nhân tạo.
Đối tượng áp dụng:
Gãy cổ hoặc chỏm xương đùi ở người già, từ 60 tuổi trở lên.
Thoái hóa khớp háng do các nguyên nhân khác nhau (bệnh lý khớp háng, di chứng sau chấn thương)
Ưu điểm:
Hiện nay, khớp háng nhân tạo bán phần đã được cải tiến đáng kể, bao gồm nhiều phần cấu trúc (module) liên kết với nhau. Điều này giúp bệnh nhân có thể vận động linh hoạt hơn và không bị hạn chế khả năng vận động.
Phương pháp này có thời gian phẫu thuật ngắn, rất thích hợp với những người cao tuổi. Do đó, bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe và vận động sớm ngay sau khi mổ.
Nhược điểm:
Bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng sau khi mổ như nhiễm trùng vết mổ, huyết khối tĩnh mạch, trật khớp háng nhân tạo, mòn khớp, lỏng khớp…
Người bệnh có thể không vận động được và tỉ lệ tử vong trong quá trình phẫu thuật vẫn có thể xảy ra.
Thay khớp háng toàn phần
Thay khớp háng toàn phần là phương pháp phẫu thuật nhằm để thay thế một khớp háng bị tổn thương sụn khớp hoàn toàn hoặc hoại tử chỏm vô mạch bởi một hệ thống khớp nhân tạo. Thay khớp háng toàn phần bao gồm việc cắt bỏ chỏm xương đùi bị hư và ổ khớp bị hư. Đồng thời thay thế vào đó là chỏm xương đùi nhân tạo được làm từ hợp kim không rỉ hoặc được làm bằng gốm sứ, nhựa tổng hợp và một cái chuôi để cắm vào thân xương đùi. Việc gắn kết giữa xương đùi với chỏm xương đùi và cái chui nhờ xi măng xương hoặc đôi khi không cần xi măng.
Đối tượng áp dụng:
Tất cả những người bệnh có thoái hóa khớp háng hay hoại tử chỏm xương đùi mà biến dạng hoàn toàn. Bệnh nhân đau đớn khi đi lại hoặc thay đổi tư thế, khi thăm khám trên hình ảnh X quang có sự biến dạng khớp, hẹp khe khớp.
Ưu điểm:
Sau khi thay khớp háng nhân tạo toàn phần, bệnh nhân sẽ di chuyển và vận động thuận lợi hơn và không còn cảm thấy đau nhức như trước.
Phương pháp này thích hợp với những người trẻ tuổi, có nhu cầu đi lại nhiều. Loại khớp được gắn trực tiếp vào xương mà không cần dùng đến xi măng, có tác dụng kích tạo sự mọc xương vào bề mặt khớp, giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn.
Nhược điểm:
Tỉ lệ bệnh nhân bị đau sau khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng sẽ cao hơn.
Phương pháp này cũng tiềm ẩn những biến chứng phức tạp như viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng vết mổ, cứng khớp, lỏng khớp, trật khớp, so le chi,…
Nhận xét
Đăng nhận xét